Diễn Văn Khánh Thành Nhà Thờ Họ Xúc Động Và Ý Nghĩa Nhất

Khánh thành nhà thờ họ là một sự kiện trọng đại, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hóa của người Việt. Trong buổi lễ khánh thành, diễn văn khánh thành nhà thờ họ không chỉ thể hiện lòng biết ơn tổ tiên mà còn là lời tri ân đến cộng đồng, những người đã chung tay xây dựng công trình đầy ý nghĩa này. Vậy làm thế nào để viết một bài diễn văn khánh thành nhà thờ họ trang trọng, ý nghĩa, xúc động và ấn tượng? Hãy cùng nội thất Nam Thành Phát tìm hiểu qua bài viết sau đây quý vị nhé.

1. Vai Trò Của Diễn Văn Khánh Thành Nhà Thờ Họ

1.1. Tôn vinh giá trị truyền thống

Nhà thờ họ là biểu tượng của văn hóa gia tộc, là nơi con cháu thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên. Một bài diễn văn khánh thành nhà thờ họ phải làm nổi bật được giá trị tâm linh, sự gắn kết của dòng họ và ý nghĩa của công trình đối với các thế hệ mai sau.

1.2. Bày tỏ lòng tri ân

Diễn văn là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã góp công, góp của xây dựng nhà thờ, từ các bậc trưởng lão đến các thành viên trong dòng họ và cả sự ủng hộ từ chính quyền địa phương.

1.3. Gắn kết cộng đồng

Nhà thờ họ không chỉ là nơi tưởng nhớ tổ tiên mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết trong gia tộc. Một bài diễn văn hay sẽ tạo không khí gần gũi, khích lệ tinh thần gắn bó trong dòng họ.

 

Diễn văn khánh thành nhà thờ họ đóng vai trò quan trọng

 

2. Cách Viết Diễn Văn Khánh Thành Nhà Thờ Họ

2.1. Mở đầu trang trọng

Phần mở đầu cần ngắn gọn, xúc tích và trang trọng. Hãy giới thiệu lý do tổ chức buổi lễ, cảm ơn khách mời và nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện khánh thành.

Ví dụ:

Kính thưa quý vị đại biểu, các bậc trưởng lão, quý vị quan khách cùng toàn thể bà con dòng họ thân mến,
Hôm nay, trong không khí hân hoan, chúng ta quy tụ về đây để chứng kiến một sự kiện trọng đại – Lễ khánh thành nhà thờ họ [Tên họ]. Đây không chỉ là công trình mang tính tâm linh mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó bền chặt của con cháu trong dòng họ.

2.2. Nêu ý nghĩa của nhà thờ họ

Hãy làm nổi bật vai trò của nhà thờ họ trong việc gìn giữ truyền thống, thể hiện lòng hiếu kính và ý nghĩa văn hóa tâm linh.

Ví dụ:

Nhà thờ họ không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên, mà còn là di sản văn hóa quý báu, nhắc nhở mỗi chúng ta về cội nguồn. Công trình này là minh chứng rõ nét cho lòng thành kính và tình cảm sâu đậm mà con cháu dành cho các bậc tiền nhân.

 

2.3. Tri ân các cá nhân, tổ chức đóng góp

Liệt kê và cảm ơn những người đã góp phần tạo nên công trình, từ những người trực tiếp xây dựng đến các nhà tài trợ, ban lãnh đạo dòng họ.

Ví dụ:

Để có được công trình khang trang như hôm nay, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đóng góp to lớn từ các bậc trưởng lão, sự hỗ trợ nhiệt tình từ bà con xa gần, và sự chỉ đạo, động viên của chính quyền địa phương.

2.4. Nêu mong muốn và cam kết của thế hệ sau

Hãy khẳng định quyết tâm bảo tồn và phát triển công trình nhà thờ họ, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết, chung sức từ các thế hệ con cháu.

Ví dụ:

Chúng tôi hy vọng rằng, nhà thờ họ [Tên họ] sẽ luôn là nơi hội tụ của con cháu, là biểu tượng của sự đoàn kết và là niềm tự hào của các thế hệ tương lai.

 

 

2.5. Kết thúc bằng lời cảm ơn và chúc phúc

Kết thúc bài diễn văn bằng lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp dành cho tất cả mọi người tham dự.

Ví dụ:

Một lần nữa, thay mặt dòng họ [Tên họ], tôi xin cảm ơn toàn thể quý vị đã đến dự buổi lễ khánh thành hôm nay. Kính chúc quý vị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

 

>>> Xem ngay: Văn khấn cúng gia tiên ngày giỗ chạp, lễ, tết đúng chuẩn ai cũng nên biết

4. Mẫu Diễn Văn Khánh Thành Nhà Thờ Họ Xúc Động Và Ý Nghĩa

 

 

Mẫu 1:

DIỄN VĂN KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ TỔ

Kính thưa quý vị đại biểu;

Kính thưa các vị khách quý, các vị đại diện các họ tộc anh em;

Thưa tất cả bà con nội ngoại, dâu rể của Đặng tộc Kinh Châu!

Trong không khí vui mừng phấn khởi, ấm áp, tôn nghiêm của ngày Tết Trung Nguyên và lễ Vu Lan báo hiếu; với tấm lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn đối với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ – Hôm nay, hậu duệ Đặng tộc Kinh Châu chúng tôi tụ hội về đây kính cẩn dâng hương, long trọng khánh thành nhà thờ Tổ.

Trước hết, thay mặt toàn thể con cháu Đặng tộc Kinh Châu, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, quý vị khách quý đã đến đây để chung vui cùng họ tộc chúng tôi.

Hội đồng Đặng tộc Kinh Châu nhiệt liệt chào mừng toàn thể bà con, chú bác, anh chị em, con cháu dâu rể, nội ngoại từ khắp mọi miền của đất nước đã về đây, làm cho buổi lễ càng thêm ấm cúng, linh nghiêm, thắm đượm nghĩa tình của dòng tộc.

Kính thưa quý vị, kính thưa toàn thể gia tộc!

Khoảng 500 năm trước đây, hai vị thuỷ tổ Đặng tộc Kinh Châu là hai cha con ông Đặng Hữu Nhân và Đặng Hữu Tăng đã đặt dấu ấn đầu tiên của họ Đặng tại nơi này. Từ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh di cư vào, phát hiện đây là vùng đất địa linh, với vị thế đẹp, các cụ đã ở lại định cư và lập nghiệp. Khi đó, vùng đất này còn hoang sơ, tổ tiên chúng ta đã phải vượt qua bao nguy hiểm khó khăn để khai hoang, tạo dựng được địa danh an nghiệp và truyền lại cho con cháu chúng ta như ngày hôm nay.

17 đời gắn bó với Bình Minh Trang xưa, làng Kinh Châu ngày nay, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, nên Đặng tộc Kinh Châu vẫn chưa có nhà thờ riêng để thờ Tổ. Việc thờ cúng Tổ tiên và các hoạt động dòng họ được thực hiện ở nhà Trưởng họ. Mãi đến năm 1993 (năm Quý Dậu), với sự khởi xướng của ông Đặng Phàn và các bậc kỳ lão trong họ, cùng sự đồng lòng của toàn thể con cháu, nhà thờ đầu tiên của dòng tộc mới được xây dựng. Từ đó các vị tiền nhân thủy tổ của dòng họ được thờ cúng hằng năm chu đáo, nghiêm túc hơn.

Tuy nhiên, trải qua nhiều năm tháng, với sự bào mòn của thời gian, khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ họ Đặng cũng đã xuống cấp. Bởi vậy, cả dòng họ đã từ lâu vẫn đau đáu ước nguyện tu tạo, dựng xây lại nhà thờ họ để con cháu có nơi thờ tự lâu dài, khang trang, đẹp đẽ hơn, phù hợp với sự phát triển của dòng họ.

Ước nguyện, trăn trở ấy được thể hiện mạnh mẽ nhất và trước nhất ở ông Đặng Xuân Huề và các thành viên Hội đồng Đặng tộc. Ngay từ dịp Đại lễ mùng 1 tháng Chạp và Tết Nguyên đán vừa qua, ông Đặng Xuân Huề tuyên bố: “Công đức trước mắt 700 triệu đồng, huy động tối đa sự đóng góp của con cháu, thiếu bao nhiêu ông sẽ lo hết”. Đến nay, riêng ông Đặng Xuân Huề và bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đóng góp 1 tỷ đồng. Đây chính là “ngòi nổ” đầu tiên, tạo động lực, khí thế và niềm tin cho cả dòng họ và để Hội đồng Đặng tộc quyết tâm xây dựng nhà thờ và Ban thường trực vững tâm triển khai thi công.

Như điềm trời phật sắp đặt và sự linh thiêng phù hộ độ trì của tổ tiên, khi kế hoạch xây dựng nhà thờ họ được khởi xướng, lập tức được tất cả mọi người đồng lòng, nhất trí hưởng ứng với quyết tâm cao. Mọi người đều có tâm hướng về dòng họ, tùy theo điều kiện cụ thể của mình. Danh sách đóng góp, công đức ngày một dài thêm. Cho đến hôm nay con cháu đã đóng góp, cung tiến gần 1 tỷ 800 triệu đồng.

Nhiều gia đình nêu gương đóng góp ngay từ những ngày đầu như gia đình các ông: Đặng Văn Đức, Đặng Văn Thuận, Đặng Văn Hiển, Đặng Kim Trọng, Đặng Văn Cẩn, Đặng Thanh Trà, Đặng Vĩnh Khuê, Đặng Văn Hồng, Đặng Công Thành, Đặng Thanh Huấn … Ngoài định mức quy định (đinh ở xa 700 ngàn, đinh ở gần 600 ngàn) các gia đình đã đóng góp thêm, người nhiều thì 50 triệu, 100 triệu như ông Đặng Xuân Hoà, Đặng Thái Sơn, ít thì vài ba trăm ngàn đến một triệu, đã tạo nên phong trào có sức lan tỏa trong mỗi gia đình, chi, nhánh, tất cả đều hướng về nhà thờ tổ.

Dòng họ ghi nhận sự đóng góp và cung tiến từ trên 30 triệu đồng đến 10 triệu đồng của gia đình các ông bà: Cao Ngọc Oánh, Đặng Văn Đức, Đặng Đình Đào, Đặng Văn Hoàn, Đinh Tiến Hùng, Phan Thị Hương, Đặng Thị Tiến.

Từ 7 triệu đến 5 triệu có gia đình các ông bà: Đặng Công Thành, Đặng Thanh Huấn, Đặng Xuân Quyết, Đặng Văn Lưu, Đặng Văn Lệ, Đặng Hữu Thoan, Đặng Thanh Nam, Đặng Xuân Diệu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Nhật Quang, Đặng Tuấn Anh, Đặng Châu Bình.

Với tinh thần hướng về nguồn cội, nhiều gia đình thuộc Giáo họ Minh Tú cũng đã đóng góp để chung tay xây nhà thờ họ: ông Trần Cương Quyết 3 triệu đồng, ông Đặng Vĩnh Khuê 1 triệu 400 ngàn đồng, cha con ông Đặng Văn Hồng 1 triệu đồng, gia đình ông Đặng Văn Ngọc 1 triệu 800 ngàn đồng, ông Đặng Hạnh 1 triệu đồng, ông Đặng Sơn 500 ngàn đồng, ông Đặng Minh Hiền 500 ngàn đồng… Hội đồng Đặng tộc Kinh Châu trân trọng cảm ơn và cúi xin Tổ tiên phù hộ, cầu Chúa ban phước lành cho gia đình các ông bà, anh chị!

Ông Đặng Thiến ở thành phố Hồ Chí Minh, mặc dầu đã 104 tuổi, sức đã yếu, xa quê gần nửa thế kỷ vẫn một lòng hướng về tổ tiên, dịp Đại lễ đã gửi về tâm cúng 500 ngàn đồng. Ông Đặng Văn Thạo, 94 tuổi, đã lấy tiền mừng tuổi của con cháu Tết vừa rồi để đóng góp. Hôm nay, ông Thạo không còn nữa, ông đã về với tổ tiên, ông bà, nhưng tấm lòng của ông, con cháu Đặng tộc còn nhớ mãi.

Trân trọng biết bao tấm lòng của nhiều dâu rể đối với Tổ tiên, họ tộc. Từ Hà Nội, ông Cao Ngọc Oánh đã sớm gửi về đóng góp 30 triệu đồng, anh Đinh Tiến Hùng đóng góp 10 triệu đồng, anh Phan Văn Hạnh đóng góp 2 triệu đồng. Bà Nguyễn Quý Hoà (vợ ông quá cố Đặng Hoanh) xa quê đã nhiều năm, từ Thái Nguyên xa xôi vẫn một tấm lòng hướng về nguồn cội. Dịp Đại lễ, hai con gái của bà đã gửi về đóng góp 3 triệu đồng; dịp này bà đã cùng gia đình các ông Đặng Thanh Huấn, Đặng Đình Đào, Đặng Minh Tiệu, Cao Ngọc Oánh cung tiến nhà thờ họ một Ngai thờ bằng gỗ và một cặp hạc bằng đồng trị giá 15 triệu đồng.

Nhiều người con gái họ Đặng tuy đã xuất giá tòng phu, phải có trách nhiệm chăm lo cho họ bên chồng, nhưng biết tin họ xây nhà thờ đã gửi về công đức, góp sức cùng dòng họ. Tiêu biểu là bà Đặng Thị Phú: 2 triệu đồng, bà Đặng Thị Hiền 7 triệu đồng, Đặng Thu Hà 5tr, Đặng Bích Ngọc 5tr, Đặng Tuyết Lan 3tr2, Đặng Diệu Hương 3tr5, Đặng Thuỳ Giang 4tr. Cháu Đặng Thị Thanh Phương (Giáo họ Minh Tú), mặc dù còn khó khăn vẫn hăng hái đóng góp 800 ngàn đồng và là một trong những người đóng góp đầu tiên. Hôm nay, cháu là người dẫn chương trình chào mừng. Họ tộc chúng ta ghi nhận, biểu dương và mong muốn nhân rộng những tấm gương đẹp đẽ như thế.

Đặng tộc Kinh Châu trân trọng cảm ơn ông Dương Văn Thanh – GĐ Công ty Kim Tín đã ủng hộ 50 triệu đồng, ông Nguyễn Đức Long – GĐ Công ty KS Hoàng Long ủng hộ 50 triệu đồng, Công ty CP XNKQB ủng hộ 100 triệu đồng và các ông Lương Minh Tính, Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Việt Phong, Phạm Hạnh, Trần Lệ Hướng, Nguyễn Thị Lan Hương, Dương Thị Kiều Vân, Nguyễn Văn Phú, Trần Trọng Quang đã tâm cúng từ 5 đến 3 triệu đồng.

Dòng họ chúng tôi rất cảm động và mãi mãi biết ơn tấm lòng của nhiều bà con trong và ngoài dòng tộc như gia đình các ông bà: Phan Thị Vân, Nguyễn Hòa, Nguyễn Văn Ninh, Hoàng Văn Thành … đã đóng góp tiền bạc, công sức, mang từng thùng bia, chai rượu, nồi cháo, con cá, dĩa lòng … đến động viên đội ngũ thợ trong quá trình thi công. Cúi xin Tổ tiên phù hộ cho cháu con, phù hộ cho tất cả những con người có tấm lòng vàng như thế!

Dòng họ Đặng sẽ mãi mãi ghi nhận tấm lòng của tất cả mọi người trong và ngoài họ, danh sách đã được ghi lại trong Bảng vàng công đức để lưu truyền mãi mãi về sau.

Kính thưa quý vị, thưa toàn thể gia tộc;

Được sự đồng tâm nhất trí của toàn thể con cháu, Hội đồng Đặng tộc quyết định khởi công công trình vào ngày 12 tháng 2 Mậu Tuất (28/3/2018); quyết tâm hoàn thành trước mùa mưa bão, tổ chức khánh thành vào rằm tháng bảy, nhằm thoả mãn ước nguyện báo hiếu của con cháu đối với Tổ tiên và các bậc sinh thành; đồng thời cũng là để thoả mãn ước nguyện cầu mong cho linh hồn các bậc tiền bối được siêu thoát, thanh thản và mỉm cười nơi chín suối.

Chúng tôi nhận thức rằng, nhà thờ họ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh với đa số người dân Việt Nam. Bởi nhà thờ họ là thế giới thu nhỏ của các vị tiền nhân thủy tổ trong một gia tộc. Nơi hội tụ hồn thiêng dòng tộc, nơi con cháu hướng nhìn hằng ngày, cảm nhận được sự ấm áp gần gũi của cha ông đang dõi theo mọi việc làm của con cháu, để ngăn ngừa điều dữ, phù hộ độ trì mọi việc được hanh thông, an thái.

Nhà thờ họ là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi ngày giỗ ngày tết con cháu tụ hội cùng nhau kính cẩn dâng hương, lễ vật; kính cáo với tiền nhân những thành tích của thế hệ đang sống; bày tỏ ước mong được sự phù hộ độ trì chở che, cho muôn đời con cháu được phúc ấm mãi dày.
Nhà thờ cũng là nơi lưu giữ, bổ sung gia phả, gia pháp, duy trì bản sắc dòng họ, và cũng là nơi vinh danh, lưu danh các bậc hiền tài, dày công dày đức trong họ để con cháu mãi mãi noi theo.

Dòng họ càng lâu đời, cháu con càng đông đúc, kẻ bồi đắp xây dựng chốn quê nhà, người tiếp bước khai cơ lập nghiệp ở phương xa… Thế nên, nhà thờ cũng là nơi cháu con gặp gỡ, là mái nhà chung cho hết thảy những ai có tấm lòng luôn hướng về nguồn cội. Nơi đây, chúng ta nhận họ, nhận hàng, ta nghiền ngẫm nghĩ suy về ước nguyện của bao đời công đức, để mà dốc sức noi theo. Nơi đây, chúng ta cùng nhau hàn huyên tâm sự vào những dịp bái tạ tổ tiên, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, lúc đói, khi no, khích lệ động viên nhau trước những được mất của cuộc đời.

Ý nghĩa của nhà thờ họ lớn lao như vậy, cho nên tiêu chí đặt ra là phải tôn nghiêm, đẹp đẽ, cao ráo, thoáng đãng, tiện lợi; kiến trúc vừa truyền thống, cổ kính, nhưng đồng thời phải mang được dáng dấp hiện đại, làm thế nào để công trình tồn tại hàng trăm năm mà không lạc hậu, đó là nỗi ước mong, là niềm trăn trở của con cháu.

Từ những tiêu chí này, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Vân đã thiết kế nhà thờ họ hai tầng với hình dáng mô phỏng và cách điệu chùa Một Cột, với mái cong, gam màu vàng chủ đạo. Kiến trúc, đường nét, màu sắc nhà thờ tạo nét tôn nghiêm nhưng cũng rất ấm áp, gần gũi với con cháu.

Tầng 2 là nơi thờ cúng Tổ tiên, có 3 gian thờ. Gian chính giữa là nơi thờ tự 3 ông Thuỷ tổ: Đặng Hữu Nhân, Đặng Hữu Tăng, Đặng Hữu Thoóc và các bậc tiền nhân của 4 nhánh họ. Phía trên là bức hoành phi: VẠN CỔ ANH LINH. Hai bên là câu đối: ĐỨC XƯA DÀY LƯU GỐC CÀNH MUÔN THUỞ – NỀN NAY VỮNG ĐỂ HƯƠNG KHÓI NGHÌN THU. Gian phía tây là nơi thờ Đức Phật và thánh thần. Gian phía đông là nơi thờ vong linh của tầng tầng lớp lớp con cháu. Bên trái và bên phải 3 gian thờ là câu đối: HUYẾT MẠCH HỌ ĐẶNG TRƯỜNG TỒN CÙNG ĐẤT NƯỚC – VINH QUANG DÒNG TỘC CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN.

Tầng 1 là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi gặp gỡ, hội tụ của con cháu. Tầng 1 không xây bao để tạo sự thông thoáng và chống dòng nước chảy xiết mùa mưa lụt.

Hai cầu thang phía trước để kết nối hai tầng với nhau – đó cũng là sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là đôi vòng tay của Tổ tiên ông bà ôm ấp, chở che cho đoàn con cháu; là đôi bàn tay của cháu con thể hiện sự thành kính, biết ơn, ngưỡng vọng Tổ tiên. Ý nghĩa rộng hơn, thì hai cầu thang là đôi bàn tay của Đất và Trời, của Sông và Núi, của MẸ QUÊ HƯƠNG ôm ấp chở che cho nhà thờ và cho tất cả chúng ta.

Cổng nhà thờ bề thế, sang trọng, vừa dân tộc vừa hiện đại, với cặp câu đối: KHAI CANH CÔNG THẦN LƯU HẬU THẾ – TỪ ĐƯỜNG ĐẶNG TỘC SÁNG TIỀN NHÂN.

Nhà thờ mới được xây dựng sát ngay trước mặt nhà thờ cũ – vừa để đúng vị trí và hướng mà thế hệ trước đã chọn; vừa thể hiện sự trân quý, bảo tồn di sản văn hoá mà cha ông để lại; đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng của sự kế thừa, tiếp nối không ngừng nghỉ của dòng máu Đặng tộc.

Trước mặt nhà thờ, bên trái lối vào là khối đá tự nhiên nặng 8 tấn mua từ Thanh Hoá, được khắc chạm đầu rồng và những dòng chữ để lại cho con cháu muôn sau. Phiến đá uy nghi vừa là điều tốt lành theo quan niệm phong thuỷ, vừa là biểu tượng cho sức mạnh, sự trường tồn của nhà thờ họ nói riêng và Đặng tộc Kinh Châu nói chung.

Hội đồng Đặng tộc giao cho Ban thường trực mà đứng đầu là ông Đặng Văn Hiển trực tiếp điều hành, đôn đốc, giám sát thi công. Nhận thầu xây dựng là anh Cao Viết Hoàng, trực tiếp thi công nhà thờ và phần sân là đoàn thợ của anh Đặng Văn Hiệu; thi công cổng và tường rào là đoàn thợ của anh Phan Văn Chiến – các anh đều là con cháu trong họ, trong làng. Các chi tiết mỹ thuật long, ly, quy, phượng do một nghệ nhân ở Huế thi công.

Sau tròn 6 tháng thi công, vượt qua thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, vượt qua mọi khó khăn, đến hôm nay nhà thờ họ đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng về kỹ thuật, cũng như mỹ thuật theo theo thiết kế và yêu cầu của Hội đồng Đặng tộc.
Bao tháng ngày mong đợi, đến hôm nay, trước mặt chúng ta là ngôi nhà thờ tiên tổ lộng lẫy, khang trang, cổng nhà thờ bề thế uy nghiêm, ấm lòng tổ tiên và mát dạ cháu con nội ngoại.

Để có được công trình Nhà thờ họ khang trang, lộng lẫy như hôm nay, họ tộc chúng ta vô cùng cảm động và xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với ông Đặng Xuân Huề – một người con tâm huyết, trách nhiệm, hào hiệp đã và đang làm hết mình vì dòng họ, quê hương. Xin được khắc ghi tên và công đức của anh lên mặt đá, và tấm lòng của anh mãi mãi được khắc ghi trong trái tim của mỗi người con dòng họ, quê hương!

Xin cảm ơn toàn thể bà con nội ngoại, dâu rể dòng tộc; trân trọng cảm ơn các nhà hảo tâm và tất cả những người yêu quý Đặng tộc Kinh Châu đã ủng hộ, cung tiến, đóng góp tiền bạc, hiện vật, công sức cho nhà thờ họ Đặng chúng tôi.

Dòng họ ghi nhận công lao của các vị trong Hội đồng Đặng tộc và Ban thường trực, mà nòng cốt là các ông: Đặng Văn Cẩn, Đặng Kim Trọng, Đặng Thanh Trà, Đặng Văn Thuận, đặc biệt là ông Đặng Văn Hiển với vai trò Chủ tịch HĐĐT, phụ trách công tác thi công. Mặc dù tuổi cũng đã cao, bận rộn với nhiều việc gia đình, nhưng ngày nào các ông cũng thay nhau có mặt tại công trường để giám sát, chỉ đạo thi công xây dựng. Không chỉ các ông, vợ các ông cũng là những cô dâu thảo hiền, tâm huyết, trách nhiệm với dòng tộc, không chỉ động viên chồng gánh vác việc họ mà bản thân các bà cũng trực tiếp lo toan nhiều việc cho dòng tộc, nhất là những ngày lễ hội. Tiêu biểu là các bà: Nguyễn Thị Hoàn, Nguyễn Thị Thanh, Phan Thị Hà . . . Dòng họ cũng mãi ghi nhận công lao của anh Đặng Văn Hiệu, cháu Cao Viết Hoàng và xin chân thành cảm ơn các đoàn thợ đã nhiệt tình, trách nhiệm, miệt mài vượt qua mọi khó khăn trong xây dựng để hoàn thành công trình đúng tiến độ, bảo đảm kỹ thuật cũng như mỹ thuật.

Xin trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của tập thể Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Châu Hóa đã dành cho dòng họ chúng tôi – đã động viên thăm hỏi trong suốt quá trình xây dựng, trước lễ khánh thành đã trồng lưu niệm một cây cảnh tự nhiên rất đẹp và ý nghĩa. Tấm lòng ấy chúng tôi mãi mãi khắc ghi.

Xin trân trọng cảm ơn con cháu bà quá cố Đặng Thị Cấp ở Quảng Trung đã dành những tình cảm yêu quý đối với Đặng tộc Kinh Châu, đã tặng bức tranh VINH QUY BÁI TỔ rất đẹp và ý nghĩa.

Xin cảm ơn chư tôn đức Ban trị sự Giáo hội phật giáo Quảng Bình cùng các chư tăng chùa Phước Sơn, Câu lạc bộ Ca trù Phong Châu, Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình, nhà hàng, bộ phận âm thanh loa máy … đã giúp họ tộc chúng tôi tổ chức Lễ cầu siêu và khánh thành nhà thờ họ đúng nghi lễ, tôn nghiêm và thật sự vui tươi, đầm ấm.

Chúng tôi cũng xin gửi lời biết ơn chân thành tới cấp ủy, ban quản lý thôn Kinh Châu, các dòng họ trong làng, cùng toàn thể bà con lối xóm đã nhiệt tình ủng hộ, động viên, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành công trình này. Trong suốt quá trình thi công không thể tránh khỏi những phiền phức cho bà con, cũng như việc tiếp đón các vị đại biểu, khách quý hôm nay không thể không có khiếm khuyết, xin được bà con và các quý vị lượng thứ.

Kính thưa các quý vị!

Thưa toàn thể gia tộc!

Nhìn lại quá trình xây dựng nhà thờ, chúng ta thật tự hào – với sức mạnh đoàn kết khắc phục vượt qua mọi khó khăn, chung lòng chung sức, với một lòng tâm nguyện “tri ân tiên tổ”, chúng ta đã hoàn thành ngôi nhà thờ họ cao ráo, đẹp đẽ, khang trang thỏa lòng mong mỏi. Từ đường Đặng tộc Kinh Châu uy nghiêm, một công trình văn hoá-tâm linh, là ngôi nhà chung thiêng liêng của dòng tộc, là tài sản vô giá muôn đời để lại con cháu phụng thờ. Thật đúng là: “Địa Linh tụ khí, xây lại tổ đường – Tử tôn phụng thờ, trường thâm phúc lộc”.

Trong buổi lễ trọng thể này, chúng ta trịnh trọng tuyên bố trước chính quyền, làng xóm cùng toàn thể gia tộc: khánh thành nhà thờ họ Đặng Kinh Châu.

Dưới mái ấm từ đường, trước linh thiêng tiền tổ, chúng con, hậu duệ Đặng tộc Kinh Châu xin nguyện tiếp bước ông bà, tổ tiên, mang hết tài năng tâm sức xây dựng gia đình, dòng họ, xóm làng, đất nước ngày càng phát triển; duy trì nền nếp gia phong, vun đắp cho phúc đức dòng họ cao dày mãi mãi.

Chúc Từ đường Đặng tộc chúng ta mãi mãi trường tồn, đời đời bền vững. Chúc toàn thể gia tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Chúc cho sự đoàn tụ của đại gia tộc chúng ta thật hạnh phúc, viên mãn.

Kính chúc quý vị đại biểu, quý vị khách quý lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.

Xin trân trọng cảm ơn!

( nguồn: fb đặng tộc kim châu)

Mẫu 2:

Kính thưa quý vị đại biểu, các bậc trưởng lão cùng toàn thể bà con dòng họ,
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm và tràn đầy niềm tự hào, chúng ta cùng tụ họp tại đây để tổ chức Lễ khánh thành nhà thờ họ [Tên họ]. Công trình này là kết quả của sự đồng lòng, chung sức từ tất cả các thành viên trong dòng họ, là minh chứng cho lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tiền nhân.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bậc trưởng lão, những người đã luôn dìu dắt con cháu gìn giữ truyền thống tốt đẹp. Đồng thời, xin tri ân những tấm lòng hảo tâm đã chung tay xây dựng công trình đầy ý nghĩa này.
Nhà thờ họ [Tên họ] sẽ mãi là nơi thờ tự linh thiêng, là ngọn lửa kết nối tình cảm gia đình và là di sản quý giá cho thế hệ mai sau. Chúng tôi mong rằng, con cháu trong dòng họ sẽ tiếp tục đoàn kết, cùng nhau giữ gìn và phát triển truyền thống tốt đẹp này.
Cuối cùng, xin kính chúc quý vị đại biểu, bà con dòng họ sức khỏe, bình an và thịnh vượng. Xin chân thành cảm ơn!

 

Mẫu 2:

Kính thưa quý vị đại biểu, các bậc trưởng lão, quý khách cùng toàn thể bà con dòng họ [Tên họ]!

Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với dòng họ chúng ta. Trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, chúng ta tổ chức lễ khánh thành nhà thờ họ [Tên họ] – nơi gửi gắm lòng thành kính đến tổ tiên và lưu giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Công trình này không chỉ là minh chứng cho lòng hiếu kính của con cháu mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và đồng lòng. Để có được kết quả như ngày hôm nay, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bậc trưởng lão, quý vị hảo tâm đã đóng góp công sức, tài chính, cùng sự chỉ đạo tận tình của chính quyền địa phương.

Chúng tôi hy vọng rằng nhà thờ họ sẽ mãi là nơi tụ hội của các thế hệ con cháu, là nguồn cảm hứng để tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Cuối cùng, thay mặt dòng họ, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể quý vị có mặt hôm nay. Kính chúc quý vị và gia đình sức khỏe, bình an và thành công. Xin chân thành cảm ơn!

5. Lời Kết

Một bài diễn văn khánh thành nhà thờ họ không chỉ là lời phát biểu trong buổi lễ mà còn là cách thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và khẳng định giá trị văn hóa gia tộc. Hãy dành thời gian chuẩn bị và viết bài diễn văn thật chỉnh chu để buổi lễ thêm phần trang trọng, ý nghĩa. Quý vị đang có nhu cầu thiết kế, thi công nhà thờ họ, hãy liên hệ nhà gỗ Nam Thành Phát để được tư vấn.

Back to top